"Cha - nghệ sĩ Hải Thoại - đã đến với cây guitar vì… thất nghiệp. Tôi đã được sinh ra từ tiếng đàn dạy thuê của cha. Tôi cũng đang sống bằng tiếng đàn guitar...”.
Nếu ai đó gặp và nói chuyện với nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh một lần chắc không thể quên được hình ảnh một chàng trai ngoài 30 tuổi, cao, gầy, cùng cây đàn trên vai với nụ cười hiền khô luôn nở trên môi. Anh có một lối nói chuyện dí dỏm, vui nhộn khiến cho người đối diện luôn có cảm giác gần gũi, thân thiện và đặc biệt là những câu chuyện của anh luôn diễn biến quanh chuyện cây đàn guitar, từ chuyện đơn giản cho đến chuyện phức tạp nhất đều được anh nói với phong cách khá cuốn hút. Để lý giải điều này anh cười và nói "Hình như mình mắc nợ với cây đàn guitar thì phải". Được "dân trong nghề" đánh giá là tay guitar có đẳng cấp, nhưng hình như Nguyễn Quang Vinh vẫn chưa hài lòng về mình, cho dù mỗi bước đi của anh trên con đường nghệ thuật luôn có những dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật trình tấu guitar cổ điển thính phòng tại Việt Nam.
Thời thơ ấu
Nguyễn Quang vinh sinh ra trong một gia đình có duyên với cây đàn guitar. Cha anh, nghệ sỹ guitar Hải Thoại, cũng đến với cây đàn guitar một cách tình cờ, như một lương duyên. Khi không có nơi nào nhận ông vào làm việc ông đã tình cờ đến với cây guitar. Lúc đó ông đã không nghĩ rằng cuộc đời ông lại gắn bó với cây đàn guitar, nuôi sống gia đình bằng tiếng đàn và sinh ra một Nguyễn Quang Vinh cũng có duyên nợ với guitar như ông.
Cùng với lời ru của mẹ, cậu bé Vinh được đắm chìm trong tiếng đàn guitar đằm thắm, sâu lắng của cha. Những âm thanh đó quyện vào nhau, thấm dần, thấm dần vào Vinh, tưới mát tâm hồn anh và trở thành niềm đam mê của cậu bé lúc nào không biết. Chính cậu bé Vinh đã đề nghị cha cậu dạy đàn cho cậu khi mới 6 tuổi (thay vì 10 tuổi như cha cậu nghĩ).
Và ở cái tuổi bắt ve, làm nũng mẹ Nguyễn Quang Vinh đã sớm chọn cây đàn guitar làm bạn đời với mình và quả như thế, đến bây giờ cây đàn guitar vẫn là người bạn thân thiết nhất của anh sau 30 năm trôi qua.
Từ vụng dại ban đầu khi Vinh cầm đàn gẩy lên những âm thanh đầu tiên, năm năm sau (1981), Nguyễn Quang Vinh đã là học sinh sơ cấp 1 Nhạc viện Hà Nội với mơ ước rất trẻ con "Học đàn để biểu diễn cho các bạn cùng xem". Và thế là cứ hàng ngày, Nguyễn Quang Vinh đạp chiếc xe cà tàng với cây đàn và cặp lồng cơm rong ruổi vào trường. Ngày nắng cũng như ngày mưa Vinh luôn chăm chỉ, cần mẫn đi lại dệt ước mơ của mình, gửi gắm hoài bão, trăn trở vào cây đàn guitar và cho đến nay, anh vẫn thế, vẫn mãi trăn trở với những hoài bão…
Tuổi thơ của Nguyễn Quang Vinh trôi đi cùng năm tháng và đã bắt đầu để lại những dấu ấn, những kỷ niệm khó phai qua những lần Vinh theo cha đi biểu diễn cùng hội Nghệ sỹ Việt Nam ở khắp các vùng miền trên Tổ quốc. Tiếng đàn của Nguyễn Quang Vinh đã vang lên ở Nam Định, Hải Phòng, Sông Đà, Nghệ Tĩnh... và ở đâu Vinh cũng được đón nhận như một hiện tượng của guitar trẻ. Nói về thời thơ ấu của Nguyễn Quang Vinh, ông Nguyễn Như Dũng, thày giáo dạy guitar của Vinh nhận xét: "Trong suốt những năm tôi dạy thì Vinh luôn là học sinh xuất sắc của khoa. Tôi nhớ có lần tôi đưa các em đi thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến lượt Vinh, em chỉ cần thu một lần là xong ngay không cần phải sửa chữa gì cả".
Trưởng thành và những thách thức
Năm 1994 cùng với chương trình tốt nghiệp, trong đó có bản Chacona của F.S Bach, Nguyễn Quang Vinh đã tốt nghiệp ĐH âm nhạc hệ chính quy với số điểm chuyên môn tuyệt đối và được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Những tưởng sự trưởng thành của Vinh đó là điều tất yếu anh đạt được sau những năm tháng lao động miệt mài ở trường. Nhưng con đường của Vinh bỗng rẽ sang một hướng hoàn toàn khác khi anh có gia đình riêng với những cơm áo gạo tiền, lo toan rất đời thường.
Khi đồng lương trong trường của anh không đủ cho gia đình tồn tại một cách tằn tiện. Bên cạnh đó, không ai giúp đỡ, không sự động viên khích lệ Nguyễn Quang Vinh không còn lựa chọn nào khác là đành phải gác lại những đam mê, những khát khao nghệ thuật. Anh xin phép tạm nghỉ ở trường để lao ra với bộn bề của cuộc sống, với những gạo củi mắm muối, mà nghề dạy đàn không làm ra được.
Anh ngậm ngùi nói về những ngày khó khăn ấy bằng một giọng trầm buồn man mác: "Tôi đã thấy đó là một sai lầm nghiêm trọng trong sự nghiệp của mình, nhưng ai trong hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ thì sẽ nghĩ đó là sự lựa chọn duy nhất và đúng nhất. Sự rủi ro ấy đã đem cho cuộc đời tôi bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp đàn và nó cũng bắt đầu một chặng đường mới để mỗi khi nhìn lại tôi lại thấy phải suy ngẫm về cái được, cái mất, cái hay cái dở trong cuộc đời mình".
Quăng mình vào những bon chen của cuộc sống, giữa guồng quay khốc liệt của đồng tiền, có lúc Nguyễn Quang Vinh đã nghĩ rằng mình phải đổi nghiệp "Nhưng sau mỗi ngày làm việc căng thẳng trở về thì việc đầu tiên là tôi ôm lấy cây đàn để tự chơi cho mình nghe, tự ru mình vào những giai điệu diệu vợi, mê đắm và huyền bí... Chính tiếng đàn đã giúp tôi không gục ngã trước cuộc sống. Khi tôi ôm đàn và gẩy lên những giai điệu tôi yêu thích và khổ công mới luyện được thì trái tim tôi rung lên những cảm xúc mãnh liệt. Những mệt nhọc tan biến, nó cuốn hút tôi, lôi kéo tôi vào thế giới của những âm hưởng cổ điển bất hủ dành cho dân guitar. Những lúc đó chỉ còn lại tôi với cây đàn..."
Và chính vì những điều như thế mà Nguyễn Quang Vinh đã tìm mọi cách trở lại với con đường nghệ thuật. Mối duyên với cây đàn guitar đã rất tình cờ đưa anh trở lại với nghề để tiếp tục chắp cánh cho ước mơ của anh về cây đàn dần trở thành hiện thực.
Yêu thích, say mê, khát khao cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh đã quyết tâm đi sâu nghiên cứu tìm hiểu cặn kẽ nghệ thuật trình tấu guitar cổ điển thính phòng trên thế giới để xoá bỏ dần quan niệm gần như trở thành mặc định hàng thập kỷ về cây guitar: chỉ là một loại nhạc cụ đệm hát, loại nhạc cụ phong trào, phổ thông trong mọi lớp người. Nhưng con đường của anh bỗng trở nên hẹp hơn khi anh xin quay lại trường và không được tiếp nhận, điều này là lẽ thường trong cơ chế của nước ta, đã làm cho Nguyễn Quang Vinh trở nên trầm lắng hơn, day dứt hơn.
Năm 1997, Nguyễn Quang Vinh chính thức thành lập lại CLB Guitar cổ điển (đã ngừng hoạt động từ năm 1986) và sinh hoạt thường xuyên tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô. Cũng từ đây, Nguyễn Quang Vinh cứ âm thầm làm cái việc "chẳng ai bắt làm" và đã bước đầu đưa cây đàn guitar đến với công chúng Việt Nam trong một diện mạo mới: "Guitar cổ diển thính phòng".
Khi được hỏi về những khó khăn anh gặp phải, Nguyễn Quang Vinh chỉ nói rằng: "Tôi rất hạnh phúc khi mọi người đang nhìn nhận cây guitar trong diện mạo mới. Tôi đã vượt qua những khó khăn không phải có một mình, mà còn có rất nhiều những người khác cũng tâm huyết, yêu mến, say mê và cùng có quan niệm với tôi như ông Ngô Đăng Tuất (Chủ nhiệm CLB), bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Hành chính) và tập thể ban cố vấn (Ông Hải Thoại, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Quang Tôn, Đỗ Doãn Hải) cùng với những người trong ban điều hành (Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Xuân Trường, Tạ Quang Hưng, Nguyễn Mai Lan...) Đó là những người đã cùng tôi vượt qua những khó khăn và họ là những người có tấm lòng đáng trân trọng. Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả".
Lần đầu tiên chơi guitar không cần sự trợ giúp của thiết bị điện tử trong khán phòng lớn tại Việt Nam
Với nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh, anh không nghĩ mình đã làm được những gì mà với anh điều quan trọng là cái đích anh hướng tới đang dần thành hiện thực. Nguyễn Quang Vinh muốn chứng minh rằng nền âm nhạc thế giới không phát triển nhờ vào sự khuếch đại của âm thanh bởi âm nhạc đã ra đời và phát triển cao ở thời kỳ phục hưng và theo khuynh hướng trước khi có điện. Anh cho rằng nếu chơi nhạc bằng đàn guitar qua micro thì đã vô tình làm mất đi giá trị âm thanh thực sự của cây đàn.
Nguyễn Quang Vinh đã chứng minh được điều đó qua các buổi biểu diễn thính phòng tại Nhà hát lớn: 2 lần tại nhà gương (khoảng 150 chỗ) và thành công rực rỡ tại buổi biểu diễn ngày 31/10/2004 tại phòng lớn (600 chỗ) bằng cây đàn De Camara của nhà làm đàn lừng danh thế giới Jose Ramirez III sản xuất 1983 - Theo tài liệu về gia đình Jose Ramirez thì cây De Camara làm bằng chất liệu gỗ Jakaranda mọc ở lưu vực sông Amazon có tuổi thọ khoảng 300 năm và khô tự nhiên 40 năm khiến cho âm sắc của cây đàn không to nhưng có độ vang xa nên ai cũng có thể nghe được và nghe như nhau.
Có thể nói đây chính là buổi biểu diễn guitar đầu tiên tại Việt Nam trong khán phòng lớn khiến cho nhiều người cảm thấy ái ngại lo lắng. Nhưng sau 1h30' (nghỉ giải lao 15') trong tiếng vỗ tay oà vỡ ông Đào Trọng Tuyên - một nghệ sỹ piano có tiếng - đã thốt lên rằng "Không một sai sót nhỏ" và tặc lưỡi "Quả là liều lĩnh". Bằng một bài mic C của chương trình để gửi tặng sự ủng hộ của khán giả, dường như Nguyễn Quang Vinh cũng muốn tự thưởng cho chính mình bởi những công sức lao động bền bỉ bao ngày tháng qua của anh đã được khẳng định và ghi dấu ấn bằng những thành quả hữu hiệu.
Quan trọng hơn là anh đã khẳng định lại một lần nữa: Guitar là loại nhạc cụ chơi được âm thanh thính phòng cổ điển và có thể chinh phục những khán phòng lớn mà không sử dụng thiết bị điện tử hỗ trợ. Điều này vẫn có thể xa lạ đối với công chúng Việt Nam nhưng trên thế giới Segovia đã khẳng định từ lâu.
Khẳng định giá trị những cây đàn được sản xuất trong nước
Không dừng lại ở đó, Nguyễn Quang Vinh không ngừng tìm tòi sáng tạo, anh đã nghiên cứu rất kỹ lịch sử phát triển cây guitar và anh khẳng định rằng: "Những cây đàn guitar sản xuất tại Việt Nam cũng có khả năng trình diễn ở những sân khấu lớn như những cây đàn nước ngoài khác mà không hề kém cạnh về chất lượng âm thanh cũng như hiệu quả sân khấu".
Và một lần nữa anh đã "liều lĩnh" đưa cây đàn guitar của nhà làm đàn Đỗ Việt Dũng mới sản xuất khoảng trên 2 tháng tuổi lên sân khấu biểu diễn cùng cây đàn Fleta - Tây Ban Nha (40 tuổi) do ông Kozo Tate sử dụng để biểu diễn vào ngày 13/11/2004 tại rạp Hồng Hà trước sự ái ngại của số đông bạn bè, vì đa phần mọi người đều cho rằng chỉ những cây đàn thật tốt, thật đắt mới có thể chơi không qua micro.
Nguyễn Quang Vinh đã phủ nhận quan niệm này vì anh cho rằng âm thanh phát ra từ cây đàn còn phụ thuộc vào kỹ thuật gẩy thì mới đạt hiệu quả cao. Và Nguyễn Quang Vinh đã đúng khi âm thanh hai tiếng đàn đã vang lên như nhau chẳng khập khiễng là mấy. Sau buổi biểu diễn, anh cho biết: "Tôi đã đắn đo chọn giữa 2 cây đàn trong buổi biểu diễn này. Nếu tôi chọn đàn De Camara thì tôi không chứng minh được về cây đàn guitar Việt Nam, còn nếu chọn đàn Việt Nam thì hơi "thất phép" với nghệ sỹ Kozo Tate, nhưng cuối cùng tôi đã chọn cây đàn Việt Nam để biểu diễn và tin rằng khán giả cũng hài lòng".
Những mốc son trong năm 2005
Có thể nói năm 2005 là năm năm có nhiều sự kiện quan trọng với nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh. Điều làm cho anh hài lòng và hạnh phúc nhất là anh đã chính thức là giảng viên Nhạc viện quốc gia Hà Nội. Đây là điều mà Nguyễn Quang Vinh đã trăn trở suốt 10 năm qua kể từ khi anh phải xin tạm nghỉ năm 1995. Anh cho biết: "Tôi đã ân hận và day dứt rất nhiều khi bước ra khỏi trường, nhưng bây giờ điều tôi mong ước đã trở thành hiện thực. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám đốc Nhạc viện Quốc gia Hà Nội đã tạo điều kiện cho tôi được làm cộng tác viên trong một thời gian dài để chứng tỏ khả năng của mình cho đến ngày được nhận chính thức".
Ngày 13/04, nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh có buổi biểu diễn Recital tại Nhạc viện Quốc gia do Ban Giám đốc tổ chức. Anh tâm sự: "Đây là buổi biểu diễn quan trọng nhất trong sự nghiệp biểu diễn của tôi từ trước đến nay. Trước đây những thành công tôi thu được mới chỉ dừng ở góc độ dành cho người hâm mộ và yêu mến guitar cổ điển thính phòng và được công chúng ủng hộ. Với buổi biểu diễn này tôi đã một lần nữa được công nhận ở góc độ chuyên môn, vì đến với buổi biểu diễn hôm đó là những bậc thầy âm nhạc, những bậc tiền bối lão thành chơi guitar ở Hà Nội. Họ là những người có khả năng đánh giá chính xác nhất công sức lao động cũng như khả năng chuyên môn của tôi, nên tôi thực sự thoả mãn về mình sau buổi biểu diễn đó".
Đến nay, người ta có thể khẳng định: Nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh thực sự là một guitarist chuyên nghiệp. Mọi hoạt động và việc làm của anh đều diễn ra xung quanh cây đàn. Tôi biết, ở tuổi 36, Nguyễn Quang Vinh còn rất nhiều những dự định trên con đường nghệ thuật. Những khát khao cháy bỏng được cống hiến hết mình cho nghệ thuật luôn là động lực thúc đẩy niềm say mê của anh đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp.