Thất cầm một thuở

Tác phẩm Việt Nam

Tác phẩm nước ngoài

Nghệ sĩ Guitar

Người nghệ sỹ già trên căn gác nhỏ (Phần II)

Monday, March 21, 2011


Tác giả: Tequila trên vantuyen.netBạn cùng lớp học đàn của tôi có nhiều. Tôi chỉ mang máng nhớ họ, vì nhiều đứa chỉ học hơn một tháng, hai tháng là bỏ không đi học nữa. Một phần vì chúng không thích, chậm tiến bộ, một phần vì hễ cứ tiến bộ là bố mẹ chúng chuyển cho chúng đi học ở nơi khác. Chỉ có tôi là suốt mấy năm trời, chủ nhật nào cũng đến với ông. Những lúc nghỉ giữa giờ, tôi thường hay sang lớp khác nghe bọn học đàn organ điện tử. Bản nào chúng nó chơi cũng hay.



Có lần tôi hỏi thầy xem ông có chơi được organ không. Ông bảo có, nhưng nói tiếp:

- Nếu cháu thích thì cứ học. Còn ông thì không thích chơi, ông thấy nó nhạt nhẽo. Organ điện tử làm hộ mình quá nhiều việc. Nếu như mình được người ta làm hộ quá nhiều việc, thì mình không còn tự do nữa cháu ạ.

Thế là từ đó tôi coi thường bọn trẻ chơi organ điện tử, dù chúng chơi được nhiều bài hay hơn tôi, tôi vẫn sang nghe chúng chơi. Tôi luôn kiêu hãnh với cây đàn nhỏ bé và thơm mùi gỗ của mình, cây đàn mà để chơi một bản nhạc, tôi phải tự làm từ đầu đến cuối.

Một lần, tôi đến lớp với ngón tay cái bị sái, và kể cho ông nghe chiến tích của mình.

- Cháu đánh được một thằng. Nhưng lại bị hai thằng khác đến đánh. Cháu chạy được nhưng bị đau tay.

- Thế thì tập đàn làm sao được. Lần sau đừng đánh nhau nữa. Đánh nhau là không tốt, là hư.

- Nhưng cháu bị trấn lột.

- Thế à – Ông mỉm cười nhân hậu rồi nói tiếp – Dù sao đánh nhau cũng là không tốt. Cháu không nên thế.

- Thế hồi bé thầy có hay đánh nhau không?

- Có. Nhưng cháu đừng đánh nhau với đứa nào trước khi suy nghĩ xem có nhất thiết phải thế không.

Tôi nhớ đúng ngày hôm đó, ông dẫn tôi đi dạo chơi trên các phố, kể cho tôi nghe tuổi trẻ của ông. Ông chỉ cho tôi những chỗ mà ngày xưa ông làm một Vệ quốc quân chiến đấu sau chiến luỹ.

Thầy dạy nhạc của tôi cả đời chỉ là một nghệ sĩ phong trào, một nghệ sĩ của đường phố. Ông đã hát những bản anh hùng ca đằng sau chiến luỹ dựng bằng giường tủ hoành phi, trong những lối đi xuyên qua tường nhà của Hà Nội mùa đông năm bốn sáu. Ông đã từng chơi những bản romance nhẹ nhàng trong đêm trên chiến khu để nhớ về một người con gái, rồi khi tìm gặp lại trong ngày thủ đô chiến thắng thì người ta đã lấy chồng. Trong cuộc đời nghệ sĩ và chiến sĩ của ông, có lẽ nhiều lần những ngón tay xấu xí của ông đã run rẩy trong những khúc ca của tình yêu. Và chắc chắn cũng từng đấy lần, chúng đã thổn thức vì nỗi thất vọng chua cay. Không bao giờ ông có nổi một tình yêu trọn vẹn, không bao giờ ông có nổi một mái ấm cho mình. Ông chỉ có cây đàn, những bài ca và những con đường Hà Nội.

Thầy tôi, người nghệ sĩ già sống trên căn gác nhỏ phố Nam Ngư. Ông đã nhận được những gì từ cuộc đời này? Không danh vọng, không tiền bạc, không vợ, không con, sống một mình trong cuối thu của cuộc đời. Vậy mà tên ông lại là chữ “hạnh”. Chữ “hạnh” đó ông đem đến chia cho tôi, trong những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thơ tôi. Tôi gắn bó với ông cho đến tận năm hết cấp hai lên lớp mười, khi mà tôi có nhiều những mối quan tâm khác và thực tế ông không còn gì để dạy tôi cả.

0 comments:

Post a Comment

 

2009 ·Guitar Corner by TNB