Thất cầm một thuở

Tác phẩm Việt Nam

Tác phẩm nước ngoài

Nghệ sĩ Guitar

Người nghệ sỹ già trên căn gác nhỏ (Phần I)

Monday, March 21, 2011


Tác giả: Tequila trên vantuyen.net

Để cắt nghĩa thế nào là cuộc sống Ta đằm mình như trái ớt giữa chén tương Càng dằm nát càng cay càng tơi tả Rồi hít hà cười khóc với yêu thương

Người Nga tầm hai mươi tuổi, tóc vàng buông dài, gương mặt xương xương. Anh ta mặc áo phông trắng, quần bò chất mịn, đi giày trắng, chơi bản Lịch sử tình yêu. Tôi thường thấy những người chơi vĩ cầm giống như anh ta, nếu rời cây đàn ra thì anh ta gầy guộc và mỏng manh yếu đuối. Nhưng khi cầm cây vĩ cầm lên, thì anh ta có một sức mạnh nào đó đủ sức sai khiến tất thảy. Tôi bỏ mấy đồng tiền vào cái hộp đàn anh đặt dưới chân, rồi đứng vào một góc, tựa lưng vào tường và lắng nghe, để cho anh ta dẫn dắt mình đi, đến bất cứ đâu, đến một nơi nào thuộc thế giới này hay không thuộc thế giới này.

Đám đông nhiều người từ bỏ sự vội vã, dừng chân đứng lại. Một bà già xách cái túi cáu bẩn đứng cạnh tôi, chốc chốc lại nhìn sang tôi mỉm cười, “tuyệt vời quá phải không?”. Người đàn ông đối diện tôi một tay ghì lấy đứa con gái, một tay dịu dàng quàng qua vai vợ mình, rồi họ hôn nhau. Đứa bé gái nép mình vào cha nó, im lặng mắt tròn xoe, đôi mắt tròn và trong veo của tuổi thơ. Hồi trước chắc đôi mắt tôi cũng tròn xoe và trong veo như thế.


Hồi tôi mười hai tuổi, mắt tròn xoe và trong veo, tôi hỏi ông:

- Ông ơi. Tại sao khi về già Beethoven bị điếc mà vẫn sáng tác được nhạc? - Ông ấy là một thiên tài. Nhưng cháu ạ, ông ấy viết nhạc và nghe nhạc bằng trái tim. Âm nhạc chính là nụ cười và giọt nước mắt của con người.

***

Tôi chuẩn bị lên lớp 6, mẹ hỏi “Con có thích học đàn không?” Tôi gật đầu. Hồi nhỏ tôi luôn nghe lời. Thế là một buổi sáng chủ nhật, mẹ đèo tôi đến Cung thiếu nhi. Đến nơi, lên tầng bốn, mẹ đưa tôi vào một căn phòng nhỏ, chỉ đủ kê một cái bàn và hai chiếc ghế băng, tường phun vữa nhám để cách âm. Có một vài đứa trẻ khác đang ngồi trong lớp. Còn thầy tôi là một ông già thấp bé xấu xí. Như mọi đứa bé ngoan, tôi ngồi xuống và im lặng chờ đợi.


Lát sau ông đưa cho tôi một cây guitar bé nhỏ, loại dành cho trẻ con. Ông cầm tay tôi đặt lên phím đàn, và bảo tôi gảy thử, một âm thanh vang lên.


- Kêu rồi đấy! Giỏi quá, có khiếu đấy.


Rồi ông quay sang nói chuyện với mẹ, để bà mỉm cười sung sướng trước khi ra về. Mãi về sau này tôi vẫn cảm ơn cái lời khen đầu tiên của ông dành cho tôi, “kêu rồi đấy”. Dẫu đó là một lời khen rất buồn cười, chỉ để khen trẻ con, nhưng tôi không bao giờ quên được. Nó bắt đầu cho những năm tháng đẹp đẽ nhất trong tuổi thơ của tôi........


Hồi nhỏ, tôi luôn là một đứa bé ngoan. Một đứa bé ngoan, học tốt và không phạm một lỗi nào ở trường. Nhưng tôi thật sự yêu mến và gắn bó với người thầy dạy nhạc của mình. Đến khi lớn lên thì tôi mới hiểu tại sao tôi gắn bó với ông đến thế. Ông có một tình yêu đặc biệt và lớn lao dành cho trẻ nhỏ. Ông nói với chúng tôi bằng ngôn ngữ của trẻ thơ nhưng lại với thái độ dành cho người lớn. Ông không bao giờ trách phạt, không bao giờ quở mắng. Ông làm cho chúng tôi thấy rằng, cây đàn là bạn chúng tôi chứ không phải là một gánh nặng.


Đó là một người đàn ông già cả, hồi đó đã hơn sáu mươi tuổi, thấp nhỏ béo bệu và xấu xí. Ngón tay ông ngắn ngủn thô kệch và nhuộm vàng vì khói thuốc. Một người chơi đàn nhưng những ngón tay lại xấu xí. Thế mà những ngón tay xấu xí ấy lại truyền cho tôi một tình yêu sâu sắc với âm nhạc, cứ thế yêu mà không hề cần những kiến thức sách vở, những định nghĩa khô khan. Đó là một tình yêu hoàn toàn bản năng. Một lối học và một lối cảm thụ bản năng, thuần tuý bản năng như tình yêu mãnh liệt của một người con trai dành cho một người con gái. Hồi đó tôi cứ say mê nghe ông chơi đàn. Ông chơi với khả năng và trình độ amateur của một người chỉ đủ sức dạy đám trẻ đến nhà thiếu nhi để sinh hoạt hè. Thế mà nó tuyệt vời biết bao. Bởi vì nó nồng nàn và chân thực. Tiếng đàn phát ra từ một đôi bàn tay xấu xí, từ một người đàn ông xấu xí, hơn sáu mươi năm sống chỉ biết yêu thương và chỉ yêu thương mà không nhận được gì.


Một trong những lần miệng sặc hơi rượu và đến lớp, ông chơi cho tôi nghe một bản nhạc tuyệt vời. Ông chơi một lượt rồi ông hát lời tiếng Việt, tôi chỉ còn nhớ có mỗi một câu là “Chiếc là vàng theo gió nhẹ rơi. Sớm từ biệt với cuộc đời, cũng như một tình yêu đã chết…” Hôm đó ông hát rất hay. Sau đó ông còn kéo tôi sang phòng bên cạnh, nơi có đặt một chiếc piano, dạo đàn và hát lời tiếng Pháp. Rồi ông lại đưa tôi sang phòng khác, mượn violin và lại kéo cho tôi nghe chính bản đó. Ông nói với tôi:


- Đó là bài Lịch sử tình yêu. Khi nào cháu lớn cháu sẽ hiểu tình yêu là gì. Mà có khi cháu không bao giờ hiểu được, nếu cháu lúc nào cũng may mắn với tình yêu.


Tôi rất ấn tượng với buổi sáng hôm đó, nên cho đến giờ vẫn nhớ nguyên văn câu ông nói. Tối về tôi khoe với mẹ:


- Hôm nay thầy Hạnh chơi bài Lịch sử tình yêu. Tuần sau nhất định con sẽ bảo thầy dạy con bài đấy. Thầy đánh hay lắm, bằng cả pi-a-nô và vi-ô-lông. Nhưng mà thầy hôm nay buồn, chẳng dạy gì con cả. - Ừ… Sáng mai mẹ dẫn con đến phố Nam Ngư ăn phở. Phở ở đó ngon lắm. Rồi mẹ con mình vào nhà thầy chơi thăm thầy. Thầy giáo của con sống một mình, không có vợ, không có con…

0 comments:

Post a Comment

 

2009 ·Guitar Corner by TNB