Thất cầm một thuở

Tác phẩm Việt Nam

Tác phẩm nước ngoài

Nghệ sĩ Guitar

Huyền thoại Thất cầm

Monday, March 21, 2011


Nhóm “Thất cầm” (7 nghệ sĩ guitar) giờ đã là một huyền thoại trong lòng người yêu guitar Hà Nội. Chính các nghệ sĩ trong nhóm đã “truyền lửa” cho giới trẻ Hà thành yêu guitar, hình thành các lớp học, tạo thương hiệu cho cây đàn guitar trong số các loại nhạc cụ, và giờ đây các lớp học guitar vẫn thu hút được nhiều thanh niên tham gia.

Tụ họp anh tài
Nhóm “Thất cầm” gồm Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Đặng Quang Khôi, Đỗ Trường Giang, Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Phạm Văn Phúc, là những người đã thắp lên phong trào học guitar cho giới trẻ Hà thành vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Khi đó, tiếng đàn của họ làm say lòng hàng vạn khán, thính giả Thủ đô, nhiều lớp học đàn được lập nên để đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ. Guitar trở thành loại nhạc cụ phổ biến đối với nhiều người và chơi guitar trở thành thú chơi nghệ thuật giàu bản sắc.

Để có một nhóm bạn đẹp và tài năng ấy, những chàng trai hào hoa, đầy lòng đam mê thuở đó đã phải tìm đến nhau, tụ tập nhau lại và cùng học, cùng chơi đến hơn chục năm trời mới có dịp chính thức ra mắt khán giả. Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc bảo rằng, nhóm “Thất cầm” tề tựu được là do cái duyên như từ tiền kiếp. Niềm đam mê và những khát vọng tuổi trẻ đã gặp nhau, những chàng trai đến và bổ sung cho nhau, rồi làm nên một “Thất cầm” huyền thoại như người Hà Nội đã từng biết, từng yêu mến. Trước đó, guitar hầu như chỉ là một nhạc cụ dùng đệm, thì từ khi có “Thất cầm”, guitar ở Việt Nam đã được đưa lên ở tầm cao hơn vì nó có khả năng độc tấu, có thể chơi được độc lập.

Thương hiệu “Thất cầm”
Từ năm 1955, khi nhóm bảy nghệ sĩ guitar hội tụ và chơi với nhau đến năm 1972 là những ngày tháng của tuổi trẻ sôi nổi và năm 1973 chuyển sang giai đoạn mới. Họ chơi ngẫu hứng và thường chơi ở các gia đình yêu guitar mời đến. Mỗi khi có bản nhạc mới là cả nhóm tụ tập, rồi nghe đĩa nước ngoài để mở mang kiến thức. Nghệ sĩ Nguyễn Tỵ nói: “Thời trẻ của chúng tôi phong trào guitar ở miền Bắc rất hạn chế và rất ít đĩa hát, sách vở. Thỉnh thoảng mới có người bạn ở nước ngoài mang sách hoặc đĩa về thì mới được nghe nghệ sĩ nước ngoài chơi tác phẩm của họ thôi. Chúng tôi thích sách và đĩa của Nga, của Pháp, Đức... Chúng tôi học kỳ công và miệt mài chứ không học hời hợt như một số ít người bây giờ. Cứ như thế, trình độ của chúng tôi được nâng lên, chơi bài bản và sâu hơn”

Năm 1972, nhạc sĩ Phạm Tuyên biết tới nhóm và mời nhóm thu thanh để phát lên sóng của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Đây là lần đầu tiên “danh chính ngôn thuận” nhóm được phục vụ nhân dân nhưng lại mắc vào chiến dịch 12 ngày đêm (Điện Biên Phủ trên không). Đúng ngày hẹn, nhóm bảy người đến thì thấy khu vực cổng Đài có rất nhiều người thu dọn đồ đạc trong không khí khẩn trương. Gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông bảo: “Xin lỗi các bạn, Đài phải đi sơ tán, đành hoãn lại dịp khác vậy. Chúng ta sẽ tiến hành công việc khi có dịp thuận lợi”. Và phải đợi chờ đến đầu năm 1973, nhóm bảy người đã có cơ hội thu thanh. Lần đầu tiên thính giả cả nước biết đến tên nhóm với những tiếng đàn guitar điêu luyện làm say lòng người. Tên nhóm “Thất cầm” hay còn gọi là “Thất tinh guitar Hà Nội” chính thức có từ ngày đó. Những nghệ sĩ trẻ hăng hái chơi nhiều hơn, cho thỏa niềm đam mê của tuổi trẻ, không cần lợi nhuận, họ liên tục được thu và phát lên sóng. Năm 1974, Đặng Quang Khôi đề nghị có một buổi sinh hoạt guitar tại trụ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được các nhạc sĩ Văn Ký, Phan Huỳnh Điểu, Đỗ Nhuận rất hài lòng và ủng hộ. Vào đêm 10-10-1974 Hội Nhạc sĩ đã tổ chức một buổi biểu diễn tại CLB Đoàn kết. Đêm nhạc đã thu hút nhiều người yêu nhạc, khán giả nhiều đến nỗi không còn vé để bán. Đêm diễn thành công rực rỡ, gây nên một sự kiện âm nhạc cho thành phố Hà Nội. Ngay sau sự kiện này, Hội Nhạc sĩ quyết định đưa nhóm ra rạp Công Nhân tổ chức liền 3 đêm nữa và cũng thiếu vé để bán. Những người yêu guitar chen chúc đứng ở phố, ngồi trên tường chăm chú nghe. Thời gian này, Hội Nhạc sĩ quyết định thành lập CLB Guitar cổ điển, nòng cốt là nhóm “Thất cầm”, liên tục có những đêm diễn phục vụ người hâm mộ Thủ đô.

Mỗi người một phong cách

Các bậc cao niên mê guitar, có thời gian học và chơi guitar ở Hà Nội kể rằng, những năm tháng “Thất cầm” nổi tiếng ở Hà Nội, họ được nhiều thiếu nữ trẻ đẹp theo đuổi. Không hẳn vì nhóm “Thất cầm” toàn người điển trai mà đội hình của họ đi đến đâu cũng “hoành tráng” có những cây đàn guitar trên vai, mái tóc bồng bềnh hào hoa, và khi đã chơi nhạc thì chỉ có... mê. Dẫu vậy, các chàng trai thuở đó trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến guitar và guitar, không nghĩ đến chuyện phải chinh phục cô gái nào. Với họ, được sống và gắn bó với guitar đã là một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Vì thế guitar ở bên các nghệ sĩ lúc vui, lúc buồn, khi lên sân khấu, khi gặp bạn hoặc chỉ là những đêm ngẫu hứng muốn chơi một bản mới giữa công viên nào đó. Những người dân Hà Nội thanh lịch sẽ nghe, sẽ thưởng thức và tặng những tràng pháo tay, những nụ cười. Như thế cũng đủ để những nghệ sĩ trẻ cảm thấy được động viên, vui sướng biết nhường nào!

Các nghệ sĩ của nhóm “Thất cầm” dù chơi khá đồng đều, do đã học hỏi lẫn nhau nhưng mỗi người vẫn có một phong cách riêng. Nghệ sĩ Hải Thoại chơi mượt mà, trữ tình, trầm ấm và rất digan; Quang Tôn lại chơi bài bản, lạ lùng, say sưa; Nguyễn Tỵ chơi rất phóng khoáng, thể hiện tính cách thoải mái; Phạm Văn Phúc hơi e dè, nên chơi nhiều bài trầm buồn, có âm điệu day dứt; Bảo Lâm có kiểu chơi cổ điển, bác học; Trường Giang có tiếng đàn gợi mở, ngọt ngào, ướt át; Quang Khôi chơi quyến rũ và bài bản.

Nhóm “Thất cầm” đã có những ngày tháng thật đẹp, thật tuyệt vời trong sự yêu mến của nhân dân thủ đô. Nhưng cuộc sống khó khăn, kinh phí eo hẹp, nhiều người bận bịu, phong trào của CLB lắng xuống. CLB không sinh hoạt thường xuyên được như trước nữa. Năm 1985 nghệ sĩ Bảo Lâm được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, có trụ sở tại 19 Hàng Buồm, để sáng lập CLB Guitar cổ điển Hà Nội. Các nghệ sĩ liên tục truyền dạy cho các học trò và gửi gắm CLB cho những người trẻ như nghệ sĩ Như Dũng, Đặng Tuất và giờ là nghệ sĩ trẻ Nguyễn Phương Hà. Những người trẻ vẫn thắp sáng tình yêu guitar và tổ chức luyện tập không bao giờ ngừng nghỉ.

Nghệ sĩ Hải Thoại và Đỗ Trường Giang đã mất, nghệ sĩ Đặng Quang Khôi đang ở nước ngoài. Những nghệ sĩ còn lại vẫn cần mẫn truyền dạy cho các học trò tại nhà của mình. Gần như cả đời gắn bó với guitar, với công việc truyền dạy, các nghệ sĩ lấy đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và sự thanh thản. Dù đã tuổi cao, nhưng bốn nghệ sĩ còn ở Hà Nội vẫn thường xuyên gặp nhau, ôn lại kỷ niệm và chia sẻ thêm những kinh nghiệm dạy học trò. Tình bạn của họ bao nhiêu năm vẫn khăng khít, không gì thay đổi.

Diên Khánh - Báo Đại Đoàn Kết

0 comments:

Post a Comment

 

2009 ·Guitar Corner by TNB