Thất cầm một thuở

Tác phẩm Việt Nam

Tác phẩm nước ngoài

Nghệ sĩ Guitar

Hải Thoại - “huyền thoại guitar VN” đã ra đi

Saturday, April 2, 2011

1. Đầu những năm của 70 của thế kỷ trước, khi cánh con trai mới lớn ở Hà Nội chưa bị mê hoặc bởi rop, rock hay hip-hop… như hôm nay, thì âm nhạc thế giới đến với họ chủ yếu qua các tác phẩm cổ điển. Trong các nhạc cụ phổ biến thời đó, guitar là cây đàn rất được hâm mộ, vì thế được học “đánh” guitar với các thầy Hải Thoại, Tạ Tấn thật sự là niềm tự hào.
Tôi còn nhớ ngày cùng mấy anh bạn dò dẫm đi tìm địa chỉ của các ông với khát khao được nhận làm học trò, vậy rồi, mới nghe phong thanh “Hải Thoại có bố theo giặc vào Nam” thì lên đường nhập ngũ. Đã có không ít đêm nằm hầm trên chốt, nhớ về Hà Nội, chúng tôi nhắc tới các ông với niềm tiếc nuối chưa được gặp mặt. Kết thúc chiến tranh trở về, các chàng trai mơ mộng năm nào không còn thời gian để thực hiện ước mơ thời trai trẻ. Cuộc mưu sinh cuốn đi, mỗi người một việc, chuyện ngày xưa chỉ còn là hoài niệm. Rồi năm 1998, đọc bài báo của PGS Phan Ngọc trình bày một số nét về cuộc đời của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc và vở kịch Ông Tây An Nam, tôi liền tìm hiểu. Và thật may mắn, tôi tìm gặp được các con ông, may mắn nhất là được gặp “thần tượng” của tôi hơn 30 năm trước, đó là Hải Thoại - người con trai lớn của Nam Xương.

Sinh năm 1936 tại Nam Định, từ nhỏ Hải Thoại chủ yếu sống với mẹ - bà Võ Thiện Ngôn (người Huế), còn cha ông là kỹ sư công chính nên đi biền biệt. Hình như chất nghệ sĩ từ Nam Xương vẫn được truyền lại trong những người con, ngoài Hải Thoại là cây guitar lừng danh, trong gia đình còn có chị Nguyễn Thị Phương Hạnh - nghệ sĩ piano nổi tiếng ở TP.HCM hiện nay.

Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đã dấn thân vào với cách mạng và hẳn là ông không biết từ ngày ông vào Nam hoạt động tình báo thì con trai ông là Hải Thoại đã trở thành “trụ cột” của gia đình theo đúng nghĩa đen của khái niệm này. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Hải Thoại lên Hà Nội học trường Bưởi, và tốt nghiệp tú tài ban toán. Từ đây, Hải Thoại bắt đầu say mê guitar. Ông kể với tôi, một lần Tạ Tấn và một số nghệ sĩ guitar ở Hà Nội tổ chức biểu diễn, ông lò dò đến “sờ” vào cây đàn; bị người bảo vệ đuổi huầy huậy, ông tức lắm, về mua đàn và tìm sách vở, quyết tâm tự học. Về sau, ông và Tạ Tấn trở thành bạn vong niên.
2. Nhắc đến Hải Thoại, người yêu guitar ở Hà Nội và cả nước đều biết số phận ông rất vất vả. Đúng vậy, vì nhiệm vụ mà Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc buộc phải mang tiếng “theo giặc vào Nam” và các con ông đều phải chịu nhiều thiệt thòi, nhất là về đường học hành. Hải Thoại cũng vậy, học được hơn một năm thì phải rời khỏi trường Đại học Sư phạm, ông về chơi đàn ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó dậy tư và làm thêm ở Nhạc viện Hà Nội. Năm 1976, sau khi cha ông được công nhận là liệt sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã mời ông về làm hợp đồng ở Nhạc viện Hà Nội, năm 1979 ông vào biên chế, và làm giảng viên đến ngày về hưu.

Gần gũi ông tôi hiểu, sự vất vả của Hải Thoại không chỉ ở sự học hành mà còn ở cuộc mưu sinh. Có lẽ không ai biết thời chiến tranh phá hoại, gia đình sơ tán ở Thuận Thành (Hà Bắc), Hải Thoại từng phải làm “trâu”, è lưng kéo cần hai thớt đá ép mía, lấy tiền phụ thêm với mẹ nuôi các em.

Về điều này, con trai ông là Nguyễn Quang Vinh - nghệ sĩ guitar, giảng viên tại Nhạc viện, đã kể: “Guitar không phải là niềm mơ ước của cha khi còn thiếu thời, cũng không phải là con đường cha chọn khi bắt đầu lập nghiệp. Nhưng đó như là một nghiệp kiếp, một món nợ nần phải trả. Bởi vậy, với cha và cả với tôi, tiếng đàn guitar không chỉ là những âm thanh được chắt lọc từ trí tuệ của người nghệ sĩ mà còn là nỗi niềm của mỗi số phận, mỗi con người... Vì chẳng ai chơi, chẳng ai dám lại gần, giúp đỡ, cũng không ai nhận cha làm bất cứ việc gì nên cha phải dạy đàn tư để kiếm thêm tiền, mua gạo chợ đen về nuôi vợ con. Mẹ tôi do suy nghĩ nhiều, lại cũng bị ảnh hưởng bởi tai tiếng nhà chồng nên phải nghỉ mất sức. Một mình đối mặt với “cơm áo gạo tiền”, nhờ vào cây guitar mà cha đã nuôi hai anh em trai tôi khôn lớn. Chính vì thế mà cha thường nói: “Gia đình mình mắc nợ cây guitar!”...”.
3. Vậy mà sự vất vả trong kiếm sống và cả tình trạng “bị xúc phạm về danh dự” nữa, vẫn không làm suy giảm tình yêu nghệ thuật và ý chí của một bậc thầy. Tiếng đàn guitar điêu luyện và đầy ắp tâm hồn của Hải Thoại đã thu hút công chúng yêu nhạc, các bản nhạc Trăng sáng đôi miền, Mừng Tây Nguyên chiến thắng, Bài ca hy vọng, Quê em miền Trung du... do Hải Thoại soạn cho guitar hoặc soạn từ các ca khúc nổi tiếng như đã trở thành tác phẩm cổ điển của người học và chơi guitar Việt Nam. 
Hơn thế nữa, hẳn ít người biết từ năm 1979, ở Nhạc viện Hà Nội, Hải Thoại là người viết giáo trình dạy guitar và đề xuất thay dây sắt của đàn guitar trước đây bằng dây nilon, dạy đàn theo phương pháp cổ điển, từ kỹ thuật cầm đàn tới kỹ thuật diễn tấu... Đến hôm nay, những yêu cầu đó đã trở thành việc bình thường nhưng dù thế nào thì vẫn phải nhớ đến công lao của người đi trước.

Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với guitar, Hải Thoại có nhiều thế hệ học trò. Từ sự dìu dắt và chỉ bảo của ông, nhiều nghệ sĩ guitar Việt Nam đã và đang tiếp tục con đường nghệ thuật với nhiều cống hiến mới. Ngay sau khi được tin ông qua đời, trên viet-guitar.vn đã có một topic về sự kiện này, ở đó tên tuổi của Hải Thoại gắn liền với các danh hiệu “một người nghệ sĩ lớn của Guitar Việt Nam”, “một ngôi sao trong Thất tinh Tây bán cầm”, “một huyền thoại guitar Việt Nam” và tôi tin ông - Hải Thoại, hoàn toàn xứng đáng với sự tri ân của họ và của mọi người yêu guitar ở Việt Nam.
 
 

0 comments:

Post a Comment

 

2009 ·Guitar Corner by TNB