Thất cầm một thuở

Tác phẩm Việt Nam

Tác phẩm nước ngoài

Nghệ sĩ Guitar

Thành công từ sự đam mê

Saturday, April 2, 2011

Ông Nguyễn Tỵ là một võ sư có tiếng, một cây guitar cự phách trong nhóm "Thất cầm" - huyền thoại của giới trẻ yêu guitar Hà Nội những năm 60, 70 thế kỷ trước. Ông là người yêu cả võ, cả văn nghệ và gắn bó như máu thịt của mình. Giờ tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cần mẫn dạy võ, dạy đàn.
Dáng ông dong dỏng cao, dù đã hơn 70 tuổi nhưng còn thanh thoát, hoạt bát, người ta bảo nhờ luyện võ và yêu guitar mà có được. Giờ ông vẫn là Trưởng môn phái Nam Hồng Sơn được sáng lập bởi cha ông là võ sư Nguyễn Văn Tộ (1895-1984), còn có tên là Sáu Tộ, là võ sư nổi tiếng trong làng võ miền Bắc. Võ sư Nguyễn Tỵ đã được cha truyền dạy võ nghệ từ năm lên 9, và năm 17 tuổi ông bắt đầu dạy võ cho thanh niên, đội tự vệ quê nhà, gìn giữ trật tự, an ninh cho làng xóm (xã Văn Hội - Thường Tín, Hà Nội). Đến năm 1984 võ sư Nguyễn Văn Tộ qua đời, truyền lại ngôi Trưởng môn phái Nam Hồng Sơn cho con trai cả Nguyễn Tỵ.
Được sự giúp đỡ của Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, cộng với niềm đam mê và khả năng cá nhân, môn phái Nam Hồng Sơn đã khởi sắc, đã tuyển sinh và phát triển với 14 võ đường hoạt động vệ tinh trong các nhà văn hóa và các trung tâm thể dục thể thao tại Hà Nội. Nhờ có nhiều huấn luyện viên, võ sư giỏi, có chuyên môn giảng dạy nên môn phái thường xuyên có võ sinh theo học, có thời kỳ lên đến hàng ngàn em. Môn phái đã đóng góp nhiều võ sinh tham gia vào các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao, các kỳ thi Olympic, SEA Games... và đoạt nhiều HCV thế giới.
Võ sư Nguyễn Tỵ nói rằng, Nam Hồng Sơn có các bài tập khí công, nội công với mục đích nâng cao thể lực cho môn sinh, từ đó tiếp thu các bài quyền cước, dùng 18 loại binh khí cho linh hoạt, tốt hơn. Giáo trình dạy không ngừng được cải tiến, có lời dẫn để võ sinh dễ học, dễ nhớ. Nam Hồng Sơn cũng có truyền thống thu nhận môn sinh khắt khe, tiêu chuẩn đầu tiên phải là nhân cách, tư chất. Ngoài dạy võ cũng hướng đến dạy đức để võ sinh có võ đức. Học võ là để rèn luyện sức khỏe và tự vệ, chứ không phải để làm điều ác. Nam Hồng Sơn là môn phái võ kết hợp uyển chuyển giữa hai dòng võ Trung Hoa và võ cổ truyền Việt Nam.
Trong môn phái Nam Hồng Sơn hiện nay còn gìn giữ được một số bài võ cổ thuộc chương trình thi võ của triều Nguyễn trước kia. Võ thuật Nam Hồng Sơn có sự biến hóa thật tài tình, nó làm tăng sức mạnh, sức bền cho con người. Nói đến quyền pháp của Nam Hồng Sơn không thể không kể đến những bài quyền như La Hán quyền, Mai Hoa quyền... đây là những bài quyền tạo cho con người sự lanh lẹ đi kèm cùng với sức mạnh, rồi đến kiếm pháp, côn pháp... Năm 1998, võ sư Nguyễn Tỵ vinh dự là một trong 5 võ sư được Ủy ban Olympic Quốc gia phong tặng danh hiệu võ sư cao cấp.
Nguyễn Tỵ say mê chơi guitar.
Ngoài say mê võ thuật, võ sư Nguyễn Tỵ còn rất mê đàn guitar và có thể ôm đàn hàng giờ để chơi những bài mình thích. Trong một lần đi sơ tán, Nguyễn Tỵ tình cờ được một vài người bạn rủ đi chơi. Cả nhóm gặp một người vừa chơi guitar vừa hát rất hay. Tiếng hát và tiếng đàn nồng ấm của cây đàn guitar... hớp hồn Nguyễn Tỵ, chàng trai lúc đó cũng ao ước mình có thể chơi được như thế.
Trở về Hà Nội, ông mày mò tìm kiếm tài liệu, tự luyện tập ngón đàn. Đến khi gặp duyên kỳ ngộ, kết thân với nhóm bạn - vốn đều là "dân nghiện" guitar như Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Phạm Văn Phúc..., chàng Nguyễn Tỵ mới thật sự trở thành "tín đồ" của môn nghệ thuật này. Ông nhớ lại: "Giữa bom đạn ác liệt của những năm 60-70, nhóm guitar cổ điển của chúng tôi gồm Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Đặng Quang Khôi và Vũ Trường Giang được nhiều bạn trẻ yêu mến vì họ say tiếng guitar. Anh em vui buồn có nhau, thường tụ tập nhau kiếm sách, kiếm đĩa rồi tập, rồi chơi ở công viên, Rạp Công nhân, CLB Đoàn kết...".
Nhóm guitar của Nguyễn Tỵ và các bạn tự nghe tiếng mà tìm đến nhau, đã tụ tập, giúp nhau học và chơi cùng từ năm 1956. Và phải mãi đến năm 1973, khi lần đầu tiên nhóm 7 người chơi guitar được mời cộng tác với Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, rồi được Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập câu lạc bộ, được đặt lịch biểu diễn thì giới trẻ Hà Nội lúc đó càng mê mẩn tiếng guitar hơn. Các lớp học guitar cũng sôi nổi và phát triển từ đó. Nhóm "Thất cầm" được truyền tụng mãi trong giới guitar cổ điển Hà Nội mãi cho tới nay.
Ham mê tìm tòi, khám phá và thật sự mong muốn phát triển phong trào guitar, cùng với các danh cầm khác như Tạ Tấn và Hải Thoại, Nguyễn Tỵ đã cố công soạn các ca khúc như: "Tiếng đàn Talư", "Hà Nội mùa thu", "Vui mở đường", "Bài ca Hồ Chí Minh", "Ngày mùa"... thành những tác phẩm dành riêng cho cây đàn guitar cổ điển. Nhóm "Thất cầm" đều những người chơi đàn cừ khôi, nhưng mỗi người một phong cách, một thế mạnh và điều đó đã được họ tận dụng để bổ sung, tương trợ và giúp nhau cùng tiến bộ.
Đối với võ sư Nguyễn Tỵ, võ nghệ và âm nhạc tuy là hai loại hình văn hóa khác nhau, nhưng tựu trung chỉ là một, bởi cả hai thứ đều cùng là nghệ thuật. Ông nói rằng, hoạt động cơ bắp không ảnh hưởng gì đến ngón tay đàn và quả tim đập vì nghệ thuật. Khi luyện võ, căng cơ, chỉ cần nghỉ ngơi 15 phút là lại chơi đàn được bình thường. Hai năm nay, Nguyễn Tỵ mỗi tuần chỉ đứng lớp 1 buổi vào sáng thứ Bảy nhằm tập huấn cho các HLV của môn phái. Về già, ông và những người bạn trong "Thất cầm" như Bảo Lâm, Phạm Văn Chung, Quang Tôn vẫn thân thiết với nhau, đàn cho nhau nghe và chia sẻ kinh nghiệm với học trò. Tình bạn của họ bao nhiêu năm vẫn khăng khít, không gì thay đổi. Lớp học đàn của ông ở một con hẻm trên phố Hồng Mai vẫn nhộn nhịp học trò. Tiếng đàn tha thiết du dương vẫn ngân lên, ngân lên như mấy mươi năm qua. Cảm như càng có tuổi, tiếng đàn của ông càng trong trẻo, thanh thản và dịu êm.
Tiếng guitar và niềm đam mê nghệ thuật đã giúp cho tâm hồng Nguyễn Tỵ được vui vẻ, luyện và dạy võ rèn luyện sức khỏe. Có phải vì thế mà một ông già hơn bảy mươi như ông trẻ hơn tuổi đến gần mười tuổi. Thời trai tráng sôi nổi của Nguyễn Tỵ đã qua đi, với hai niềm đam mê là võ thuật và đàn guitar. Ông bảo nếu được chọn lại, ông vẫn muốn hai thứ ấy

0 comments:

Post a Comment

 

2009 ·Guitar Corner by TNB