Thất cầm một thuở

Tác phẩm Việt Nam

Tác phẩm nước ngoài

Nghệ sĩ Guitar

Nguyễn Quang Vinh - Kẻ mắc nợ cây guitar

Saturday, April 2, 2011

"Cha - nghệ sĩ Hải Thoại - đã đến với cây guitar vì… thất nghiệp. Tôi đã được sinh ra từ tiếng đàn dạy thuê của cha. Tôi cũng đang sống bằng tiếng đàn guitar...”.
Nếu ai đó gặp và nói chuyện với nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh một lần chắc không thể quên được hình ảnh một chàng trai ngoài 30 tuổi, cao, gầy, cùng cây đàn trên vai với nụ cười hiền khô luôn nở trên môi. Anh có một lối nói chuyện dí dỏm, vui nhộn khiến cho người đối diện luôn có cảm giác gần gũi, thân thiện và đặc biệt là những câu chuyện của anh luôn diễn biến quanh chuyện cây đàn guitar, từ chuyện đơn giản cho đến chuyện phức tạp nhất đều được anh nói với phong cách khá cuốn hút. Để lý giải điều này anh cười và nói "Hình như mình mắc nợ với cây đàn guitar thì phải".

Được "dân trong nghề" đánh giá là tay guitar có đẳng cấp, nhưng hình như Nguyễn Quang Vinh vẫn chưa hài lòng về mình, cho dù mỗi bước đi của anh trên con đường nghệ thuật luôn có những dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật trình tấu guitar cổ điển thính phòng tại Việt Nam.

Thời thơ ấu

Nguyễn Quang vinh sinh ra trong một gia đình có duyên với cây đàn guitar. Cha anh, nghệ sỹ guitar Hải Thoại, cũng đến với cây đàn guitar một cách tình cờ, như một lương duyên. Khi không có nơi nào nhận ông vào làm việc ông đã tình cờ đến với cây guitar. Lúc đó ông đã không nghĩ rằng cuộc đời ông lại gắn bó với cây đàn guitar, nuôi sống gia đình bằng tiếng đàn và sinh ra một Nguyễn Quang Vinh cũng có duyên nợ với guitar như ông.

Cùng với lời ru của mẹ, cậu bé Vinh được đắm chìm trong tiếng đàn guitar đằm thắm, sâu lắng của cha. Những âm thanh đó quyện vào nhau, thấm dần, thấm dần vào Vinh, tưới mát tâm hồn anh và trở thành niềm đam mê của cậu bé lúc nào không biết. Chính cậu bé Vinh đã đề nghị cha cậu dạy đàn cho cậu khi mới 6 tuổi (thay vì 10 tuổi như cha cậu nghĩ).

Và ở cái tuổi bắt ve, làm nũng mẹ Nguyễn Quang Vinh đã sớm chọn cây đàn guitar làm bạn đời với mình và quả như thế, đến bây giờ cây đàn guitar vẫn là người bạn thân thiết nhất của anh sau 30 năm trôi qua.

Từ vụng dại ban đầu khi Vinh cầm đàn gẩy lên những âm thanh đầu tiên, năm năm sau (1981), Nguyễn Quang Vinh đã là học sinh sơ cấp 1 Nhạc viện Hà Nội với mơ ước rất trẻ con "Học đàn để biểu diễn cho các bạn cùng xem". Và thế là cứ hàng ngày, Nguyễn Quang Vinh đạp chiếc xe cà tàng với cây đàn và cặp lồng cơm rong ruổi vào trường. Ngày nắng cũng như ngày mưa Vinh luôn chăm chỉ, cần mẫn đi lại dệt ước mơ của mình, gửi gắm hoài bão, trăn trở vào cây đàn guitar và cho đến nay, anh vẫn thế, vẫn mãi trăn trở với những hoài bão…

Tuổi thơ của Nguyễn Quang Vinh trôi đi cùng năm tháng và đã bắt đầu để lại những dấu ấn, những kỷ niệm khó phai qua những lần Vinh theo cha đi biểu diễn cùng hội Nghệ sỹ Việt Nam ở khắp các vùng miền trên Tổ quốc. Tiếng đàn của Nguyễn Quang Vinh đã vang lên ở Nam Định, Hải Phòng, Sông Đà, Nghệ Tĩnh... và ở đâu Vinh cũng được đón nhận như một hiện tượng của guitar trẻ. Nói về thời thơ ấu của Nguyễn Quang Vinh, ông Nguyễn Như Dũng, thày giáo dạy guitar của Vinh nhận xét: "Trong suốt những năm tôi dạy thì Vinh luôn là học sinh xuất sắc của khoa. Tôi nhớ có lần tôi đưa các em đi thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến lượt Vinh, em chỉ cần thu một lần là xong ngay không cần phải sửa chữa gì cả".

Trưởng thành và những thách thức

Năm 1994 cùng với chương trình tốt nghiệp, trong đó có bản Chacona của F.S Bach, Nguyễn Quang Vinh đã tốt nghiệp ĐH âm nhạc hệ chính quy với số điểm chuyên môn tuyệt đối và được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Những tưởng sự trưởng thành của Vinh đó là điều tất yếu anh đạt được sau những năm tháng lao động miệt mài ở trường. Nhưng con đường của Vinh bỗng rẽ sang một hướng hoàn toàn khác khi anh có gia đình riêng với những cơm áo gạo tiền, lo toan rất đời thường.

Khi đồng lương trong trường của anh không đủ cho gia đình tồn tại một cách tằn tiện. Bên cạnh đó, không ai giúp đỡ, không sự động viên khích lệ Nguyễn Quang Vinh không còn lựa chọn nào khác là đành phải gác lại những đam mê, những khát khao nghệ thuật. Anh xin phép tạm nghỉ ở trường để lao ra với bộn bề của cuộc sống, với những gạo củi mắm muối, mà nghề dạy đàn không làm ra được.

Anh ngậm ngùi nói về những ngày khó khăn ấy bằng một giọng trầm buồn man mác: "Tôi đã thấy đó là một sai lầm nghiêm trọng trong sự nghiệp của mình, nhưng ai trong hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ thì sẽ nghĩ đó là sự lựa chọn duy nhất và đúng nhất. Sự rủi ro ấy đã đem cho cuộc đời tôi bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp đàn và nó cũng bắt đầu một chặng đường mới để mỗi khi nhìn lại tôi lại thấy phải suy ngẫm về cái được, cái mất, cái hay cái dở trong cuộc đời mình".

Quăng mình vào những bon chen của cuộc sống, giữa guồng quay khốc liệt của đồng tiền, có lúc Nguyễn Quang Vinh đã nghĩ rằng mình phải đổi nghiệp "Nhưng sau mỗi ngày làm việc căng thẳng trở về thì việc đầu tiên là tôi ôm lấy cây đàn để tự chơi cho mình nghe, tự ru mình vào những giai điệu diệu vợi, mê đắm và huyền bí... Chính tiếng đàn đã giúp tôi không gục ngã trước cuộc sống. Khi tôi ôm đàn và gẩy lên những giai điệu tôi yêu thích và khổ công mới luyện được thì trái tim tôi rung lên những cảm xúc mãnh liệt. Những mệt nhọc tan biến, nó cuốn hút tôi, lôi kéo tôi vào thế giới của những âm hưởng cổ điển bất hủ dành cho dân guitar. Những lúc đó chỉ còn lại tôi với cây đàn..."

Và chính vì những điều như thế mà Nguyễn Quang Vinh đã tìm mọi cách trở lại với con đường nghệ thuật. Mối duyên với cây đàn guitar đã rất tình cờ đưa anh trở lại với nghề để tiếp tục chắp cánh cho ước mơ của anh về cây đàn dần trở thành hiện thực.

Yêu thích, say mê, khát khao cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh đã quyết tâm đi sâu nghiên cứu tìm hiểu cặn kẽ nghệ thuật trình tấu guitar cổ điển thính phòng trên thế giới để xoá bỏ dần quan niệm gần như trở thành mặc định hàng thập kỷ về cây guitar: chỉ là một loại nhạc cụ đệm hát, loại nhạc cụ phong trào, phổ thông trong mọi lớp người. Nhưng con đường của anh bỗng trở nên hẹp hơn khi anh xin quay lại trường và không được tiếp nhận, điều này là lẽ thường trong cơ chế của nước ta, đã làm cho Nguyễn Quang Vinh trở nên trầm lắng hơn, day dứt hơn.

Năm 1997, Nguyễn Quang Vinh chính thức thành lập lại CLB Guitar cổ điển (đã ngừng hoạt động từ năm 1986) và sinh hoạt thường xuyên tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô. Cũng từ đây, Nguyễn Quang Vinh cứ âm thầm làm cái việc "chẳng ai bắt làm" và đã bước đầu đưa cây đàn guitar đến với công chúng Việt Nam trong một diện mạo mới: "Guitar cổ diển thính phòng".

Khi được hỏi về những khó khăn anh gặp phải, Nguyễn Quang Vinh chỉ nói rằng: "Tôi rất hạnh phúc khi mọi người đang nhìn nhận cây guitar trong diện mạo mới. Tôi đã vượt qua những khó khăn không phải có một mình, mà còn có rất nhiều những người khác cũng tâm huyết, yêu mến, say mê và cùng có quan niệm với tôi như ông Ngô Đăng Tuất (Chủ nhiệm CLB), bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Hành chính) và tập thể ban cố vấn (Ông Hải Thoại, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Quang Tôn, Đỗ Doãn Hải) cùng với những người trong ban điều hành (Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Xuân Trường, Tạ Quang Hưng, Nguyễn Mai Lan...) Đó là những người đã cùng tôi vượt qua những khó khăn và họ là những người có tấm lòng đáng trân trọng. Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả".

Lần đầu tiên chơi guitar không cần sự trợ giúp của thiết bị điện tử trong khán phòng lớn tại Việt Nam

Với nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh, anh không nghĩ mình đã làm được những gì mà với anh điều quan trọng là cái đích anh hướng tới đang dần thành hiện thực. Nguyễn Quang Vinh muốn chứng minh rằng nền âm nhạc thế giới không phát triển nhờ vào sự khuếch đại của âm thanh bởi âm nhạc đã ra đời và phát triển cao ở thời kỳ phục hưng và theo khuynh hướng trước khi có điện. Anh cho rằng nếu chơi nhạc bằng đàn guitar qua micro thì đã vô tình làm mất đi giá trị âm thanh thực sự của cây đàn.

Nguyễn Quang Vinh đã chứng minh được điều đó qua các buổi biểu diễn thính phòng tại Nhà hát lớn: 2 lần tại nhà gương (khoảng 150 chỗ) và thành công rực rỡ tại buổi biểu diễn ngày 31/10/2004 tại phòng lớn (600 chỗ) bằng cây đàn De Camara của nhà làm đàn lừng danh thế giới Jose Ramirez III sản xuất 1983 - Theo tài liệu về gia đình Jose Ramirez thì cây De Camara làm bằng chất liệu gỗ Jakaranda mọc ở lưu vực sông Amazon có tuổi thọ khoảng 300 năm và khô tự nhiên 40 năm khiến cho âm sắc của cây đàn không to nhưng có độ vang xa nên ai cũng có thể nghe được và nghe như nhau.

Có thể nói đây chính là buổi biểu diễn guitar đầu tiên tại Việt Nam trong khán phòng lớn khiến cho nhiều người cảm thấy ái ngại lo lắng. Nhưng sau 1h30' (nghỉ giải lao 15') trong tiếng vỗ tay oà vỡ ông Đào Trọng Tuyên - một nghệ sỹ piano có tiếng - đã thốt lên rằng "Không một sai sót nhỏ" và tặc lưỡi "Quả là liều lĩnh". Bằng một bài mic C của chương trình để gửi tặng sự ủng hộ của khán giả, dường như Nguyễn Quang Vinh cũng muốn tự thưởng cho chính mình bởi những công sức lao động bền bỉ bao ngày tháng qua của anh đã được khẳng định và ghi dấu ấn bằng những thành quả hữu hiệu.

Quan trọng hơn là anh đã khẳng định lại một lần nữa: Guitar là loại nhạc cụ chơi được âm thanh thính phòng cổ điển và có thể chinh phục những khán phòng lớn mà không sử dụng thiết bị điện tử hỗ trợ. Điều này vẫn có thể xa lạ đối với công chúng Việt Nam nhưng trên thế giới Segovia đã khẳng định từ lâu.

Khẳng định giá trị những cây đàn được sản xuất trong nước

Không dừng lại ở đó, Nguyễn Quang Vinh không ngừng tìm tòi sáng tạo, anh đã nghiên cứu rất kỹ lịch sử phát triển cây guitar và anh khẳng định rằng: "Những cây đàn guitar sản xuất tại Việt Nam cũng có khả năng trình diễn ở những sân khấu lớn như những cây đàn nước ngoài khác mà không hề kém cạnh về chất lượng âm thanh cũng như hiệu quả sân khấu".

Và một lần nữa anh đã "liều lĩnh" đưa cây đàn guitar của nhà làm đàn Đỗ Việt Dũng mới sản xuất khoảng trên 2 tháng tuổi lên sân khấu biểu diễn cùng cây đàn Fleta - Tây Ban Nha (40 tuổi) do ông Kozo Tate sử dụng để biểu diễn vào ngày 13/11/2004 tại rạp Hồng Hà trước sự ái ngại của số đông bạn bè, vì đa phần mọi người đều cho rằng chỉ những cây đàn thật tốt, thật đắt mới có thể chơi không qua micro.

Nguyễn Quang Vinh đã phủ nhận quan niệm này vì anh cho rằng âm thanh phát ra từ cây đàn còn phụ thuộc vào kỹ thuật gẩy thì mới đạt hiệu quả cao. Và Nguyễn Quang Vinh đã đúng khi âm thanh hai tiếng đàn đã vang lên như nhau chẳng khập khiễng là mấy. Sau buổi biểu diễn, anh cho biết: "Tôi đã đắn đo chọn giữa 2 cây đàn trong buổi biểu diễn này. Nếu tôi chọn đàn De Camara thì tôi không chứng minh được về cây đàn guitar Việt Nam, còn nếu chọn đàn Việt Nam thì hơi "thất phép" với nghệ sỹ Kozo Tate, nhưng cuối cùng tôi đã chọn cây đàn Việt Nam để biểu diễn và tin rằng khán giả cũng hài lòng".

Những mốc son trong năm 2005

Có thể nói năm 2005 là năm năm có nhiều sự kiện quan trọng với nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh. Điều làm cho anh hài lòng và hạnh phúc nhất là anh đã chính thức là giảng viên Nhạc viện quốc gia Hà Nội. Đây là điều mà Nguyễn Quang Vinh đã trăn trở suốt 10 năm qua kể từ khi anh phải xin tạm nghỉ năm 1995. Anh cho biết: "Tôi đã ân hận và day dứt rất nhiều khi bước ra khỏi trường, nhưng bây giờ điều tôi mong ước đã trở thành hiện thực. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám đốc Nhạc viện Quốc gia Hà Nội đã tạo điều kiện cho tôi được làm cộng tác viên trong một thời gian dài để chứng tỏ khả năng của mình cho đến ngày được nhận chính thức".

Ngày 13/04, nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh có buổi biểu diễn Recital tại Nhạc viện Quốc gia do Ban Giám đốc tổ chức. Anh tâm sự: "Đây là buổi biểu diễn quan trọng nhất trong sự nghiệp biểu diễn của tôi từ trước đến nay. Trước đây những thành công tôi thu được mới chỉ dừng ở góc độ dành cho người hâm mộ và yêu mến guitar cổ điển thính phòng và được công chúng ủng hộ. Với buổi biểu diễn này tôi đã một lần nữa được công nhận ở góc độ chuyên môn, vì đến với buổi biểu diễn hôm đó là những bậc thầy âm nhạc, những bậc tiền bối lão thành chơi guitar ở Hà Nội. Họ là những người có khả năng đánh giá chính xác nhất công sức lao động cũng như khả năng chuyên môn của tôi, nên tôi thực sự thoả mãn về mình sau buổi biểu diễn đó".

Đến nay, người ta có thể khẳng định: Nghệ sỹ Nguyễn Quang Vinh thực sự là một guitarist chuyên nghiệp. Mọi hoạt động và việc làm của anh đều diễn ra xung quanh cây đàn. Tôi biết, ở tuổi 36, Nguyễn Quang Vinh còn rất nhiều những dự định trên con đường nghệ thuật. Những khát khao cháy bỏng được cống hiến hết mình cho nghệ thuật luôn là động lực thúc đẩy niềm say mê của anh đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp.

Vĩnh biệt nghệ sĩ guitare Hải Thoại

Hải Thoại là con trai trưởng của nhà soạn kịch Nam Xương nổi tiếng. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Cát Ngạc, người Phù Khê, Từ Sơn (Bắc Ninh). Ông Nam Xương vừa viết những vở kịch nổi tiếng như "Chàng ngốc" (1929), "Ông Tây An Nam" (1930), vừa bí mật hoạt động cách mạng.
Hoạt động tại Hà Nội, ông đã gặp bà Võ Thiện Ngôn ở Huế ra để tránh lùng bắt và hoạt động với nghề nữ hộ sinh (ta quen gọi là "bà đỡ"), thành hôn và về sống ở Nam Định. Chính ở thành Nam năm 1936, cậu con trai đầu lòng đã ra đời. Ông Nam Xương đặt tên cho con mình là Nguyễn Hải Thoại.

Giống như các bậc tài danh âm nhạc ở thành Nam khi trước như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ..., cậu bé Hải Thoại mê tiếng đàn guitare từ rất sớm. Riêng chuyện chỉ ở với mẹ tại Nam Định, còn bố đi đâu thì không biết cũng đã gieo vào lòng Hải Thoại nhiều trắc ẩn, nhất là việc bố bị kết án tử hình ở mùa thu 1945 (sau này nhờ Cách mạng Tháng Tám, ông Nam Xương đã được cứu thoát). Nhưng với tài năng trời cho, Hải Thoại đã nhanh chóng nổi tiếng là một nghệ sĩ guitare có hạng tại Hà Nội. Việc anh chọn "Bài ca hy vọng" của Văn Ký để chuyển soạn cho đàn guitare cũng như một lời thầm nhủ lòng mình hãy biết hy vọng vào tương lai.

Nhớ quê Bắc Ninh, anh chuyển soạn "Quê em miền trung du" của Nguyễn Đức Toàn. Yêu chèo từ đất Nam Định, anh chuyển soạn "Lới lơ", "Sắp qua cầu"... Và đặc biệt, như để gửi gắm tình cảm của mình vào cuộc chiến đấu ở miền Nam, Hải Thoại đã sáng tác một nhạc phẩm cho guitare mang tên "Mừng chiến thắng Tây Nguyên" bằng ngũ cung Tây Nguyên, được trình diễn tại Pleiku năm 1976. Đấy là sự gặp gỡ âm thầm và kỳ lạ của thời gian.

Ở Hà Nội, không chỉ tạo dựng tài năng cho riêng mình, Hải Thoại đã cùng anh em " tử vì đạo guitare" lập ra nhóm "Thất cầm" gồm các danh cầm như: Nguyễn Quang Tôn, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Văn Tỵ, Vũ Bảo Lâm, Đỗ Trường Giang (đã mất), Đặng Văn Khôi. Ở trong một hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh, các anh vừa dạy guitare cho lớp trẻ, vừa là kiếm sống tối thiểu, vừa là đào tạo cho thế hệ sau. Thật khâm phục, khi các anh cùng nhau nghe những tác phẩm của A.Segovia, F.Sor, Villa Lobot... qua đĩa và cố gắng ghi ra thành bản nhạc để có thể tự tập và truyền bá tới học sinh.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bằng uy tín của mình, Hải Thoại đã cùng các bạn giao lưu với các danh cầm Sài Gòn và tạo nên mối tâm giao thống nhất của "Làng guitare VN".

Gần đây, nhất là sau khi cùng giao lưu với nghệ sĩ guitare người Nhật hồi cuối 2004, Hải Thoại yếu đi rõ rệt. Năm 2007, Hải Thoại và nhóm "Thất cầm" đã được đưa vào ấn phẩm "Nhạc sĩ Việt Nam" dày dặn và trân trọng. Không ngờ "thanh minh vào tiết tháng ba" năm nay, người nghệ sĩ của tiếng đàn guitare réo rắt một thời chiến tranh đã tạ thế vào chiều 2.4 - buổi chiều mưa rây rắc. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt anh.

Hải Thoại - “huyền thoại guitar VN” đã ra đi

1. Đầu những năm của 70 của thế kỷ trước, khi cánh con trai mới lớn ở Hà Nội chưa bị mê hoặc bởi rop, rock hay hip-hop… như hôm nay, thì âm nhạc thế giới đến với họ chủ yếu qua các tác phẩm cổ điển. Trong các nhạc cụ phổ biến thời đó, guitar là cây đàn rất được hâm mộ, vì thế được học “đánh” guitar với các thầy Hải Thoại, Tạ Tấn thật sự là niềm tự hào.
Tôi còn nhớ ngày cùng mấy anh bạn dò dẫm đi tìm địa chỉ của các ông với khát khao được nhận làm học trò, vậy rồi, mới nghe phong thanh “Hải Thoại có bố theo giặc vào Nam” thì lên đường nhập ngũ. Đã có không ít đêm nằm hầm trên chốt, nhớ về Hà Nội, chúng tôi nhắc tới các ông với niềm tiếc nuối chưa được gặp mặt. Kết thúc chiến tranh trở về, các chàng trai mơ mộng năm nào không còn thời gian để thực hiện ước mơ thời trai trẻ. Cuộc mưu sinh cuốn đi, mỗi người một việc, chuyện ngày xưa chỉ còn là hoài niệm. Rồi năm 1998, đọc bài báo của PGS Phan Ngọc trình bày một số nét về cuộc đời của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc và vở kịch Ông Tây An Nam, tôi liền tìm hiểu. Và thật may mắn, tôi tìm gặp được các con ông, may mắn nhất là được gặp “thần tượng” của tôi hơn 30 năm trước, đó là Hải Thoại - người con trai lớn của Nam Xương.

Sinh năm 1936 tại Nam Định, từ nhỏ Hải Thoại chủ yếu sống với mẹ - bà Võ Thiện Ngôn (người Huế), còn cha ông là kỹ sư công chính nên đi biền biệt. Hình như chất nghệ sĩ từ Nam Xương vẫn được truyền lại trong những người con, ngoài Hải Thoại là cây guitar lừng danh, trong gia đình còn có chị Nguyễn Thị Phương Hạnh - nghệ sĩ piano nổi tiếng ở TP.HCM hiện nay.

Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đã dấn thân vào với cách mạng và hẳn là ông không biết từ ngày ông vào Nam hoạt động tình báo thì con trai ông là Hải Thoại đã trở thành “trụ cột” của gia đình theo đúng nghĩa đen của khái niệm này. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Hải Thoại lên Hà Nội học trường Bưởi, và tốt nghiệp tú tài ban toán. Từ đây, Hải Thoại bắt đầu say mê guitar. Ông kể với tôi, một lần Tạ Tấn và một số nghệ sĩ guitar ở Hà Nội tổ chức biểu diễn, ông lò dò đến “sờ” vào cây đàn; bị người bảo vệ đuổi huầy huậy, ông tức lắm, về mua đàn và tìm sách vở, quyết tâm tự học. Về sau, ông và Tạ Tấn trở thành bạn vong niên.
2. Nhắc đến Hải Thoại, người yêu guitar ở Hà Nội và cả nước đều biết số phận ông rất vất vả. Đúng vậy, vì nhiệm vụ mà Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc buộc phải mang tiếng “theo giặc vào Nam” và các con ông đều phải chịu nhiều thiệt thòi, nhất là về đường học hành. Hải Thoại cũng vậy, học được hơn một năm thì phải rời khỏi trường Đại học Sư phạm, ông về chơi đàn ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó dậy tư và làm thêm ở Nhạc viện Hà Nội. Năm 1976, sau khi cha ông được công nhận là liệt sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã mời ông về làm hợp đồng ở Nhạc viện Hà Nội, năm 1979 ông vào biên chế, và làm giảng viên đến ngày về hưu.

Gần gũi ông tôi hiểu, sự vất vả của Hải Thoại không chỉ ở sự học hành mà còn ở cuộc mưu sinh. Có lẽ không ai biết thời chiến tranh phá hoại, gia đình sơ tán ở Thuận Thành (Hà Bắc), Hải Thoại từng phải làm “trâu”, è lưng kéo cần hai thớt đá ép mía, lấy tiền phụ thêm với mẹ nuôi các em.

Về điều này, con trai ông là Nguyễn Quang Vinh - nghệ sĩ guitar, giảng viên tại Nhạc viện, đã kể: “Guitar không phải là niềm mơ ước của cha khi còn thiếu thời, cũng không phải là con đường cha chọn khi bắt đầu lập nghiệp. Nhưng đó như là một nghiệp kiếp, một món nợ nần phải trả. Bởi vậy, với cha và cả với tôi, tiếng đàn guitar không chỉ là những âm thanh được chắt lọc từ trí tuệ của người nghệ sĩ mà còn là nỗi niềm của mỗi số phận, mỗi con người... Vì chẳng ai chơi, chẳng ai dám lại gần, giúp đỡ, cũng không ai nhận cha làm bất cứ việc gì nên cha phải dạy đàn tư để kiếm thêm tiền, mua gạo chợ đen về nuôi vợ con. Mẹ tôi do suy nghĩ nhiều, lại cũng bị ảnh hưởng bởi tai tiếng nhà chồng nên phải nghỉ mất sức. Một mình đối mặt với “cơm áo gạo tiền”, nhờ vào cây guitar mà cha đã nuôi hai anh em trai tôi khôn lớn. Chính vì thế mà cha thường nói: “Gia đình mình mắc nợ cây guitar!”...”.
3. Vậy mà sự vất vả trong kiếm sống và cả tình trạng “bị xúc phạm về danh dự” nữa, vẫn không làm suy giảm tình yêu nghệ thuật và ý chí của một bậc thầy. Tiếng đàn guitar điêu luyện và đầy ắp tâm hồn của Hải Thoại đã thu hút công chúng yêu nhạc, các bản nhạc Trăng sáng đôi miền, Mừng Tây Nguyên chiến thắng, Bài ca hy vọng, Quê em miền Trung du... do Hải Thoại soạn cho guitar hoặc soạn từ các ca khúc nổi tiếng như đã trở thành tác phẩm cổ điển của người học và chơi guitar Việt Nam. 
Hơn thế nữa, hẳn ít người biết từ năm 1979, ở Nhạc viện Hà Nội, Hải Thoại là người viết giáo trình dạy guitar và đề xuất thay dây sắt của đàn guitar trước đây bằng dây nilon, dạy đàn theo phương pháp cổ điển, từ kỹ thuật cầm đàn tới kỹ thuật diễn tấu... Đến hôm nay, những yêu cầu đó đã trở thành việc bình thường nhưng dù thế nào thì vẫn phải nhớ đến công lao của người đi trước.

Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với guitar, Hải Thoại có nhiều thế hệ học trò. Từ sự dìu dắt và chỉ bảo của ông, nhiều nghệ sĩ guitar Việt Nam đã và đang tiếp tục con đường nghệ thuật với nhiều cống hiến mới. Ngay sau khi được tin ông qua đời, trên viet-guitar.vn đã có một topic về sự kiện này, ở đó tên tuổi của Hải Thoại gắn liền với các danh hiệu “một người nghệ sĩ lớn của Guitar Việt Nam”, “một ngôi sao trong Thất tinh Tây bán cầm”, “một huyền thoại guitar Việt Nam” và tôi tin ông - Hải Thoại, hoàn toàn xứng đáng với sự tri ân của họ và của mọi người yêu guitar ở Việt Nam.
 
 

Thành công từ sự đam mê

Ông Nguyễn Tỵ là một võ sư có tiếng, một cây guitar cự phách trong nhóm "Thất cầm" - huyền thoại của giới trẻ yêu guitar Hà Nội những năm 60, 70 thế kỷ trước. Ông là người yêu cả võ, cả văn nghệ và gắn bó như máu thịt của mình. Giờ tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cần mẫn dạy võ, dạy đàn.
Dáng ông dong dỏng cao, dù đã hơn 70 tuổi nhưng còn thanh thoát, hoạt bát, người ta bảo nhờ luyện võ và yêu guitar mà có được. Giờ ông vẫn là Trưởng môn phái Nam Hồng Sơn được sáng lập bởi cha ông là võ sư Nguyễn Văn Tộ (1895-1984), còn có tên là Sáu Tộ, là võ sư nổi tiếng trong làng võ miền Bắc. Võ sư Nguyễn Tỵ đã được cha truyền dạy võ nghệ từ năm lên 9, và năm 17 tuổi ông bắt đầu dạy võ cho thanh niên, đội tự vệ quê nhà, gìn giữ trật tự, an ninh cho làng xóm (xã Văn Hội - Thường Tín, Hà Nội). Đến năm 1984 võ sư Nguyễn Văn Tộ qua đời, truyền lại ngôi Trưởng môn phái Nam Hồng Sơn cho con trai cả Nguyễn Tỵ.
Được sự giúp đỡ của Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, cộng với niềm đam mê và khả năng cá nhân, môn phái Nam Hồng Sơn đã khởi sắc, đã tuyển sinh và phát triển với 14 võ đường hoạt động vệ tinh trong các nhà văn hóa và các trung tâm thể dục thể thao tại Hà Nội. Nhờ có nhiều huấn luyện viên, võ sư giỏi, có chuyên môn giảng dạy nên môn phái thường xuyên có võ sinh theo học, có thời kỳ lên đến hàng ngàn em. Môn phái đã đóng góp nhiều võ sinh tham gia vào các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao, các kỳ thi Olympic, SEA Games... và đoạt nhiều HCV thế giới.
Võ sư Nguyễn Tỵ nói rằng, Nam Hồng Sơn có các bài tập khí công, nội công với mục đích nâng cao thể lực cho môn sinh, từ đó tiếp thu các bài quyền cước, dùng 18 loại binh khí cho linh hoạt, tốt hơn. Giáo trình dạy không ngừng được cải tiến, có lời dẫn để võ sinh dễ học, dễ nhớ. Nam Hồng Sơn cũng có truyền thống thu nhận môn sinh khắt khe, tiêu chuẩn đầu tiên phải là nhân cách, tư chất. Ngoài dạy võ cũng hướng đến dạy đức để võ sinh có võ đức. Học võ là để rèn luyện sức khỏe và tự vệ, chứ không phải để làm điều ác. Nam Hồng Sơn là môn phái võ kết hợp uyển chuyển giữa hai dòng võ Trung Hoa và võ cổ truyền Việt Nam.
Trong môn phái Nam Hồng Sơn hiện nay còn gìn giữ được một số bài võ cổ thuộc chương trình thi võ của triều Nguyễn trước kia. Võ thuật Nam Hồng Sơn có sự biến hóa thật tài tình, nó làm tăng sức mạnh, sức bền cho con người. Nói đến quyền pháp của Nam Hồng Sơn không thể không kể đến những bài quyền như La Hán quyền, Mai Hoa quyền... đây là những bài quyền tạo cho con người sự lanh lẹ đi kèm cùng với sức mạnh, rồi đến kiếm pháp, côn pháp... Năm 1998, võ sư Nguyễn Tỵ vinh dự là một trong 5 võ sư được Ủy ban Olympic Quốc gia phong tặng danh hiệu võ sư cao cấp.
Nguyễn Tỵ say mê chơi guitar.
Ngoài say mê võ thuật, võ sư Nguyễn Tỵ còn rất mê đàn guitar và có thể ôm đàn hàng giờ để chơi những bài mình thích. Trong một lần đi sơ tán, Nguyễn Tỵ tình cờ được một vài người bạn rủ đi chơi. Cả nhóm gặp một người vừa chơi guitar vừa hát rất hay. Tiếng hát và tiếng đàn nồng ấm của cây đàn guitar... hớp hồn Nguyễn Tỵ, chàng trai lúc đó cũng ao ước mình có thể chơi được như thế.
Trở về Hà Nội, ông mày mò tìm kiếm tài liệu, tự luyện tập ngón đàn. Đến khi gặp duyên kỳ ngộ, kết thân với nhóm bạn - vốn đều là "dân nghiện" guitar như Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Phạm Văn Phúc..., chàng Nguyễn Tỵ mới thật sự trở thành "tín đồ" của môn nghệ thuật này. Ông nhớ lại: "Giữa bom đạn ác liệt của những năm 60-70, nhóm guitar cổ điển của chúng tôi gồm Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Đặng Quang Khôi và Vũ Trường Giang được nhiều bạn trẻ yêu mến vì họ say tiếng guitar. Anh em vui buồn có nhau, thường tụ tập nhau kiếm sách, kiếm đĩa rồi tập, rồi chơi ở công viên, Rạp Công nhân, CLB Đoàn kết...".
Nhóm guitar của Nguyễn Tỵ và các bạn tự nghe tiếng mà tìm đến nhau, đã tụ tập, giúp nhau học và chơi cùng từ năm 1956. Và phải mãi đến năm 1973, khi lần đầu tiên nhóm 7 người chơi guitar được mời cộng tác với Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, rồi được Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập câu lạc bộ, được đặt lịch biểu diễn thì giới trẻ Hà Nội lúc đó càng mê mẩn tiếng guitar hơn. Các lớp học guitar cũng sôi nổi và phát triển từ đó. Nhóm "Thất cầm" được truyền tụng mãi trong giới guitar cổ điển Hà Nội mãi cho tới nay.
Ham mê tìm tòi, khám phá và thật sự mong muốn phát triển phong trào guitar, cùng với các danh cầm khác như Tạ Tấn và Hải Thoại, Nguyễn Tỵ đã cố công soạn các ca khúc như: "Tiếng đàn Talư", "Hà Nội mùa thu", "Vui mở đường", "Bài ca Hồ Chí Minh", "Ngày mùa"... thành những tác phẩm dành riêng cho cây đàn guitar cổ điển. Nhóm "Thất cầm" đều những người chơi đàn cừ khôi, nhưng mỗi người một phong cách, một thế mạnh và điều đó đã được họ tận dụng để bổ sung, tương trợ và giúp nhau cùng tiến bộ.
Đối với võ sư Nguyễn Tỵ, võ nghệ và âm nhạc tuy là hai loại hình văn hóa khác nhau, nhưng tựu trung chỉ là một, bởi cả hai thứ đều cùng là nghệ thuật. Ông nói rằng, hoạt động cơ bắp không ảnh hưởng gì đến ngón tay đàn và quả tim đập vì nghệ thuật. Khi luyện võ, căng cơ, chỉ cần nghỉ ngơi 15 phút là lại chơi đàn được bình thường. Hai năm nay, Nguyễn Tỵ mỗi tuần chỉ đứng lớp 1 buổi vào sáng thứ Bảy nhằm tập huấn cho các HLV của môn phái. Về già, ông và những người bạn trong "Thất cầm" như Bảo Lâm, Phạm Văn Chung, Quang Tôn vẫn thân thiết với nhau, đàn cho nhau nghe và chia sẻ kinh nghiệm với học trò. Tình bạn của họ bao nhiêu năm vẫn khăng khít, không gì thay đổi. Lớp học đàn của ông ở một con hẻm trên phố Hồng Mai vẫn nhộn nhịp học trò. Tiếng đàn tha thiết du dương vẫn ngân lên, ngân lên như mấy mươi năm qua. Cảm như càng có tuổi, tiếng đàn của ông càng trong trẻo, thanh thản và dịu êm.
Tiếng guitar và niềm đam mê nghệ thuật đã giúp cho tâm hồng Nguyễn Tỵ được vui vẻ, luyện và dạy võ rèn luyện sức khỏe. Có phải vì thế mà một ông già hơn bảy mươi như ông trẻ hơn tuổi đến gần mười tuổi. Thời trai tráng sôi nổi của Nguyễn Tỵ đã qua đi, với hai niềm đam mê là võ thuật và đàn guitar. Ông bảo nếu được chọn lại, ông vẫn muốn hai thứ ấy

Nhớ về Hà Nội

Wednesday, March 23, 2011

Sinh ra và lớn lên trên thành phố cảng nhưng nghệ sỹ Phạm Lợi đã có nhiều kỉ niệm gắn bó với thủ đô và những con người Hà Nội. Sau lần về biểu diễn tại câu lạc bộ guitar cổ điển Cung văn hóa Hữu Nghị, trước tình cảm mến mộ của khán thính giả và sự chân tình yêu quý cuả các bạn bè, nghệ sỹ Phạm Lợi muốn bày tỏ tất cả tấm lòng của mình cùng nỗi nhớ thủ đô qua bài soạn ca khúc "Nhớ về Hà Nội" của nhạc sỹ Hoàng Hiệp.
Mở đầu với những âm vang như tiếng chuông lung linh trang trọng, toàn bộ bài soạn toát lên một sự tìm tòi công phu với những hòa âm đặc sắc, những đoạn phát triển phong phú đa dạng về hình thức, sâu lắng về tâm tư, thể hiện nhiều sắc thái rung động của tình cảm chân thực. Cùng với tiếng đàn chín chắn, tinh tế của Thanh Hằng tác phẩm xứng đáng là món quà trân trọng của nghệ sỹ Phạm Lợi gửi tặng những người yêu guitar của thủ đô Hà Nội.

Adelita

Tuesday, March 22, 2011

Con bé bước về phía máy tính và lặng lẽ nhấn nút Power. Trước mặt nó đã là những bản nhạc thân quen. Mỗi lần Hà Nội mưa đêm con bé thường chọn cho mình một list dài những bản piano thánh thót và trong trẻo. Nhưng hôm nay nó lơ đãng, và click nhầm. Nó đã click vào Adelita, cái tên artist Francisco Tarrega hiện ra, chứ không phải Richard Claydeman hay Giovanni quen thuộc. Thôi kệ, hôm nay thử cảm giác.

Con bé cố nhớ những gì nó đã đọc về người nhạc công, nhạc sĩ mù Tarrega - cái tên đã trở nên quá quen thuộc với những người học guitar và mê guitar. Mà nó không thuộc số họ. Nó chỉ thích ở một thời điểm nào đó, và một vài bản nhạc nhất định nào đó. Nó không rành về guitar, chỉ biết một chút. Cái khoảnh be bé ấy đủ để nó nghe và cảm thấy đặc biệt cho riêng mình nó thôi. Adelita là 1 cái gì đó quan trọng trong khoảnh bé xíu ấy. Nó đã nghe Adelita nhiều lần lắm rồi, nhưng lần này đặc biệt, bởi nó không nghe Adelita độc tấu, mà là hoà tấu. Với mưa.

Ngoài kia là mưa, những giọt nước mưa rượt đuổi nhau rồi rơi xuống. Tiếng những giọt nước lướt nhẹ qua nhau, chạm khẽ vào nhau. Con bé thích lắng nghe thanh âm trong trẻo vang lên theo mỗi sự cọ xát giữa những khối nước mềm mại ấy. Những giọt nước thi nhau chuyển động vẫy vùng để được vang lên trong bản nhạc tưởng chừng dài vô tận.

Adelita réo rắt bên tai nó. Sắc. Dịu. Chậm.
Nó có cảm giác như người chơi đàn chơi thật chậm để chạm được hết vào từng âm thanh đang vang lên. Người chơi guitar này giống ai nhỉ? ai nhỉ? Nó cố lục lọi lại trí nhớ? Nhạc của Tarrega mang những sắc màu của âm nhạc dân gian Tây Ban Nha. Nó nhớ ra rồi?Có phải là người lặng lẽ đệm guitar cho từng vũ điệu flamenco đầy sức sống trên mảnh đất ấy? Đúng là cái dáng vẻ ấy, dáng vẻ điềm tĩnh đã làm cho nó từng tự hỏi rằng vì sao vũ điệu flamenco bồng bềnh rực lửa như thế mà luôn có bóng một nghệ sĩ đệm guitar trầm ngâm.

Mưa vẫn rơi. Adelita hoà vào với mưa lạ lắm. Nếu mưa là một khối mềm và trong thì Adelita là một lá cỏ sắc. Lấy cái lá cỏ ấy cứa vào giữa giọt nước sẽ cảm thấy được tiếng guitar cắt những giọt thuỷ tinh làm bằng mưa sắc, ngọt đến mức nào. Và thử nhìn xem, khi cứa một cọng cỏ vào giữa giọt nước thì màu cỏ xanh thế nào, long lanh thế nào, để thấy rằng những tiếng guitar kia không thể không kiêu hãnh khi biết mình đẹp nhường ấy trên bản nhạc mưa.

Khi Adelita vang lên kiêu hãnh thì mưa im lặng. Nếu mưa không im lặng, làm sao những thanh âm của Adelita lại căng ra rõ ràng đến thế được? Và khi Adelita chạm được vào góc im lặng trong con bé thì mưa bắt đầu ồn ào. Cứ đuổi chạy mê mải như thế?

?..

Vẫn mưa?
Nhưng người nhạc công đã không còn chơi nữa?
Kết thúc của mưa là những giọt nước trong vắt.
Kết thúc của Adelita là những tiếng mảnh rớt vào khoảng mênh mông.
Adelita kết thúc, và rồi sẽ có lúc cơn mưa đi qua. Chỉ còn lại một chút gì đó, cho riêng ai đó?

?..

Con bé mỉm cười. Click nhầm vào một bản nhạc khác và một chút ngẫu hững đêm mưa không phải là một điều dở. 

 

Francisco Tárrega (1852-1909)

Cho đến ngày hôm nay, bản nhạc Recuerdos de la Alhambra (Hồi tưởng về Alhambra) cho tây ban cầm cổ điển với ngón rung tremolo toàn bài vẫn nối tiếng và được giới âm nhạc yêu mến. Tárrega là một nhà soạn nhạc của xứ Tây Ban Nha và là một danh cầm thủ của thế kỷ 19. Ông đã tạo ảnh hưởng lớn và đóng góp rất đáng kể cho sự phát triển nhạc tây ban cầm cổ điển. Ông được xem như là "cha đẻ của kỹ thuật trình tấu tây ban cầm cổ điển tân thời" và được mến mộ như "Sarasate của tây ban cầm" (Sarasate là danh cầm thủ về vĩ cầm).
Recuerdos de la Alhambra được sáng tác với cảm hứng từ cảnh trí của Alhambra, lâu đài của vua người Hồi Giáo, xây vào thế kỷ thứ 13 tại vùng Granada, miền Nam xứ Tây Ban Nha. Một bản nhạc khác cũng được phổ biến rộng rãi và đầy tình cảm của Tárrega là Lágrima (Giọt lệ). Ngoài công việc soạn nhạc, Tárrega đi trình tấu khắp nơi và dạy nhạc. Ông mất ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha ngày 15 tháng 12 năm 1909, lúc mới 57 tuổi
Thời Niên Thiếu của Tárrega
Francisco de Asís Tárrega y Eixea sinh ở Villareal, vùng Castellón, ven biển Địa Trung Hải xứ Tây Ban Nha. Thuở nhỏ học ở Castellón và Valencia. Năm 1874, Ông vào học 3 năm ở Nhạc Viện Madrid và đã được giải nhất về cả 2 môn soạn nhạc và hòa âm.
Những bản nhạc Tárrega hay trình tấu Ngoài những bản ngắn của Tây Ban Nha còn có những bản soạn lại cho tây ban cầm từ nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Bach, Mozart, Beethoven, Verdi, Chopin ... cũng như các bản của nhạc sĩ trong xứ như Granados, Albeniz ...
Lưu Diễn Âu Châu
Được xem như người tiên phong cho phong trào tây ban cầm tân thời, Ông đã trình diễn độc tấu ở nhiều quốc gia ở Âu Châu trong đó có Pháp (Paris, Nice, Perpignan), Tây Ban Nha (Cadiz, Valencia, Mallorca, Barcelona), Anh Quốc (London) ...
Giáo Sư Âm Nhạc
Tárrega là Giáo sư bộ môn tây ban cầm ở Nhạc Viện Madrid. Ông đã thiết lập phương thức giảng dạy hiệu quả như cách ôm đàn trên một chân được nâng cao lên và những nguyên tắc sử dụng bàn tay trái và phải.
Nhà Soạn Nhạc và Tác PhẩmNgoài những bản soạn lại cho tây ban cầm từ các nhạc sĩ khác, Tarrega còn có nhiều bản nhạc mở đầu (prelude) và một số bản nhạc được phổ biến rộng rãi và nổi tiếng. Bản Capricho Arabe viết để riêng tặng cho Breton, nhà sọan nhạc và bạn thân. Bản Danza Mora, sáng tác ở Algeria khi gặp Saint-Saens (nhà soạn nhạc Pháp nổi tiếng với bản Danse Macabre). Bản nhạc Oremus được sáng tác 2 tuần trước khi Ông qua đời. Ông để lại 78 bản nhạc gốc và 120 bản nhạc soạn lại cho tây ban cầm.
Di sản của Tárrega
Ông không chủ tâm viết nhạc để giảng dạy nhưng phương cách và kỹ thuật trình tấu của Ông đã được những học trò như Pascual Poch và Emilio Pujol viết lại trong nhiều bộ sách sư phạm vẫn còn được dùng đến ngày nay.
Tárrega đã tạo ra một thứ âm thanh đặc biệt lãng mạn, nhiều cá tính của xứ Tây Ban Nha cho những người yêu tây ban cầm cổ điển nói riêng và làm giàu cho âm nhạc thế giới nói chung.
 

2009 ·Guitar Corner by TNB